Việc sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, thu gom xác bóng đèn… cũng được xem là một biểu hiện của hành vi tiêu dùng bền vững
Sự
kiện Giờ Trái đất 2013 vừa qua đã được nhiều người dân tắt đèn hưởng
ứng. Dẫu vậy, không phải ai cũng biết ảnh hưởng của việc tiêu dùng điện
tới biến đổi khí hậu (BĐKH) và sử dụng tiết kiệm điện trong đời sống
hằng ngày.
Sử dụng đèn compact sẽ tiết kiệm 75% - 80% điện năng. Ảnh: TẤN THẠNH
Còn 60% hộ sử dụng bóng đèn sợi đốt
Năm
2012, tôi và một số cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về tình huống sử
dụng bóng đèn tại 700 hộ gia đình thuộc 6 tỉnh, thành: Hà Nội, Lạng Sơn,
TPHCM, Kiên Giang, Bình Định và Lâm Đồng - đại diện cho hành vi tiêu
dùng của 25 triệu hộ dân cả nước.
Kết
quả cho thấy số bóng đèn trung bình mỗi hộ là 14,3 cái. Loại được sử
dụng nhiều nhất là bóng đèn huỳnh quang (50,5%), tiếp theo là bóng đèn
compact (khoảng 40%), còn lại là đèn sợi đốt và đèn LED (chủ yếu dùng
cho mục đích trang trí). Ở một số khu vực nông thôn, bóng đèn sợi đốt
vẫn còn được ưa chuộng vì giá tương đối rẻ (khoảng 7.000 đồng/bóng) và
khi mùa đông, cảm giác ấm áp có thể đến từ ánh sáng và sức nóng của bóng
đèn sợi đốt.
Vẫn
còn 60% hộ gia đình sử dụng đèn sợi đốt. Quá trình khảo sát ghi nhận
không ít người cho rằng so với các thiết bị điện gia dụng: máy giặt,
điều hòa, tivi, tủ lạnh..., điện cho chiếu sáng không tốn nhiều nên
không cần tiết kiệm. Thậm chí, một số người còn chưa biết tới bóng đèn
tiết kiệm điện. Đáng lưu ý là rất nhiều hộ gia đình cho rằng sử dụng
bóng đèn tiết kiệm điện sẽ… ảnh hưởng thị lực!
Như
vậy, với khoảng 25 triệu hộ gia đình, số lượng bóng đèn đang được sử
dụng tại Việt Nam khoảng 359 triệu cái. Ngoài ra, khoảng 25 triệu bóng
đèn khác đang được sử dụng tại gần 1 triệu doanh nghiệp, cơ quan, tổ
chức hoạt động trong tất cả các lĩnh vực khác nhau. Tổng dung lượng thị
trường là 384 triệu bóng đèn các loại.
Tiết kiệm điện là văn hóa
Từ
năm 2011, nhiều dự án sử dụng tiết kiệm điện được triển khai trên cả
nước. Điển hình là dự án loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển
đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam (do Bộ Tài nguyên - Môi trường
triển khai dưới sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thuộc
chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc), với mục đích chuyển đổi việc
sử dụng từ bóng đèn sợi đốt sang bóng tiết kiệm năng lượng.
Song
song đó là một số chính sách và quy định liên quan đã được ban hành:
Chiến lược quốc gia về BĐKH (nhấn mạnh nhiệm vụ tiết kiệm năng lượng để
giảm phát thải khí nhà kính); Luật Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng
lượng (được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2011).
Đặc
biệt, ngày 12-9-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định từ ngày
1-1-2013, không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông các sản phẩm đèn
tròn (đèn sợi đốt), có công suất lớn hơn 60 W. Tuy nhiên, đến nay các
nhà sản xuất bóng đèn có thị phần lớn vẫn còn nhiều băn khoăn bởi công
nghệ đã đầu tư cho sản xuất bóng đèn sợi đốt vẫn còn sử dụng tốt.
Do
vậy, để chuyển đổi hành vi và hướng người sử dụng bóng đèn điện theo
định hướng tiêu dùng bền vững vẫn còn nhiều việc phải làm. Đối với Chính
phủ và bộ, ngành có liên quan cần phân khúc thị trường bóng đèn theo
mục đích sử dụng để đưa ra những quy định và hướng dẫn phù hợp cho các
doanh nghiệp chuyển đổi dần quy trình và công nghệ sản xuất; đặt ra các
yêu cầu về thu gom và tái chế bóng đèn đã qua sử dụng để không gây ô
nhiễm môi trường.
Nếu
không có cơ chế thu gom tốt, cho dù có tiết kiệm điện nhưng hành vi
tiêu dùng bóng đèn này vẫn không thể được xem là tiêu dùng bền vững.
Phạt nặng các trường hợp nhập lậu thiết bị chiếu sáng chất lượng kém qua
đường tiểu ngạch, buôn bán các bóng đèn chiếu sáng không có nguồn gốc
xuất xứ, chất lượng kém.
Lãnh
đạo các địa phương cần tăng cường nhận thức về đặc tính của các sản
phẩm bóng đèn khác nhau và bảo đảm hiểu đúng về chất lượng của các sản
phẩm bóng đèn tiết kiệm. Tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thực hiện
tiết kiệm điện năng lượng, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện như một nét
văn hóa nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.